Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học

Chăn nuôi gia cầm an theo hướng toàn sinh học (ATSH) nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường do đó công tác tiêu độc vệ sinh sát trùng phải được thực hiện thường xuyên. Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi rất hiệu quả này nhé.

Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm

 Chuẩn bị điều kiện môi trường chăn nuôi là việc làm đầu tiên trong bất kỳ mô hình chăn nuôi nào.

1. Chuồng trại chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học cần chú ý tới các yếu tố:
- Chuồng gà ở nơi cao ráo, thoáng mát. Nên làm chuồng theo hướng Đông hoặc Đông Nam để hứng được nắng buổi sáng và tránh được nắng buổi chiều.
- Chú ý mật độ nuôi thích hợp (8 con/m2 nếu nuôi gà thịt trên sàn; 10 con/m2 nếu nuôi gà thịt trên nền). Nếu nuôi gà thả vườn, chuồng là nơi để tránh mưa nắng và ngủ đêm, mật độ vườn thả gà đủ điều kiện ít nhất 1con/m2.
- Mặt trước cửa chuồng hướng về phía Đông Nam. Sàn chuồng đảm bảo độ thông thoáng, khô ráo, dễ dọn vệ sinh.

2. Máng ăn:
- Khi gà còn nhỏ (1-3 ngày tuổi) rải thức ăn trên giấy lót trong lồng úm cho gà ăn.
- Khi gà 4-14 ngày tuổi cho gà ăn bằng máng ăn cho gà con.
- Trên 15 ngày cho gà ăn máng treo.

3. Máng uống Đặt hoặc treo xen kẽ các máng uống với máng ăn trong chuồng hoặc vườn. Thay nước sạch cho gà 2-3 lần/ngày.

4. Bể tắm cát, máng cát sỏi cho gà. Thông thường, gà rất thích tắm cát.
- Đối với gà nuôi chăn thả phải xây bể chứa cát, tro bếp và diêm sinh cho gà tắm. Kích thước bể dài 2m, rộng 1m, cao 0,3m cho 40 gà.
- Đặt một số máng cát, sỏi hoặc đá nhỏ xung quanh nơi chăn thả để gà ăn, giúp gà tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

5. Dàn đậu cho gà. Gà có tập tính thích ngủ trên cao vào ban đêm để tránh kẻ thù và giữ ẩm cho đôi chân, tránh nhiễm bệnh. Do đó nên tạo một số dàn đậu cho gà ngủ trong chuồng. Dàn đậu làm bằng tre, gỗ (không nên làm bằng cây tròn vì trơn gà khó đậu). Dàn cách nền chuồng khoảng 0,5m, cách nhau 0,3-0,4m để gà khỏi đụng vào nhau, mổ nhau và ỉa phân lên nhau.

Chăn nuôi gia cầm hiệu quả

Việc chọn giống cũng là khâu rất quan trọng trong mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Nếu là nuôi thịt: Chọn giống gà Tàu vàng, gà Đông Tảo, gà Nòi, gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng.... Trong khi nuôi gà lấy trứng thương phẩm: Chọn những giống gà đẻ nhiều như gà Tàu Vàng, gà Tam Hoàng, gà BT1, gà Ri.... Chọn giống gà con:
- Chọn gà con càng đồng đều về trọng lượng càng tốt.
- Chọn những con nhanh, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập.
- Tránh chọn những con gà khô chân, vẹo mỏ, khoèo chân, hở rốn, xệ bụng, lỗ huyệt bết lông, cánh xệ, có vòng thâm đen quanh rốn.

Tiếp đến là khâu chăm sóc nuôi dưỡng. Cần rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ, quan sát tình trạng ăn uống đi đứng của gà, nếu thấy con nào buồn bã, ủ rũ cần cách ly ngay để theo dõi. Khi thời tiết thay đổi nên cho gà uống nước pha Electrolyte hoặc Vitamine C. Nếu là gà nuôi thịt thì không cần cắt mỏ. Đối với gà đẻ để giảm hiện tượng cắn mổ nhau thì nên cắt mỏ (chỉ cắt phần sừng của mỏ) vào tuần 6-7. Phân gà được hốt dọn thường xuyên (nếu nuôi lồng) hoặc cuối đợt (nếu nuôi trên nền trấu) và phải được đem ủ kỹ với vôi bột 3 tháng sau mới đem dùng.

Chăn nuôi gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao

Thức ăn cho gà. Gà là một trong số con vật nhạy cảm, nên tuyệt đối không cho gà ăn thức ăn bị ôi mốc, nhiễm nấm, thối rữa. Bà con có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng các phụ phế phẩm công nông nghiệp, sao cho đảm bảo các thành phần: Năng lượng, đạm, khoáng và Vitamine. Khống chế lượng thức ăn và đảm bảo chất lượng thức ăn đối với gà hậu bị để gà không bị mập mỡ làm giảm sản lượng trứng.

Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học đảm bảo cho sự sinh trưởng phát triển của gà được tốt hơn từ đó mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho bà con chăn nuôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét